Hỗ trợ trực tuyến

0903632117

Những điều tuyệt vời thường đến vào lúc bạn ít bất ngờ nhất

TIẾT KIỆM LÊN ĐẾN

1.000.000 VNĐ

CHO ĐƠN ĐẶT PHÒNG CỦA BẠN

Nhập địa chỉ email và nhận ngay mã giảm giá

Video clip
Đánh giá mới nhất

Khám Phá Du Lịch Hà Tĩnh



Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, diện tích 5.998 km2, nằm trong đới gió mùa chí tuyến, thiên nhiên phân rõ bốn mùa. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp thỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào và phía Đông giáp Biển Đông.

HaTinh_011.jpg

Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Biển Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con,. . .  Núi sông Hà Tĩnh hùng vỹ, thơ mộng với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như Núi Hồng – Sông La, Thác Vũ Môn, Đèo Ngang – Hoành Sơn Quan, Chùa Hương Tích, Chùa Chân Tiên, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc,. . . Hà Tĩnh còn có các khu nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng như Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu du lịch nước khoáng nóng Sơn Kim. . . và nhiều đặc sản nổi tiếng như kẹo Cu đơ, bưởi Phú Trạch, cam Bù Hương Sơn, nhung hươu Hương Sơn. . . Hà Tĩnh còn quyến rũ du khách bởi những làn điệu ví, giặm và ca trù đằm thắm, độc đáo.

Nơi đây thật sự là vùng đất của cơ hội đầu tư và phát triển, là địa chỉ du lịch hấp dẫn dành cho du khách gần xa khám phá. Và sau đây là các địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất tại Hà Tĩnh - Hotel24h.net.

Sau đây là những địa điểm du lịch không thể bỏ qua tại Hà Tĩnh:

Khu Di Tích ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hoá thế giới, tác giả của kiệt tác Truyện Kiều bất hủ. Khu di tích ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Hà Tĩnh 50km, cách thành phố Vinh 12km. Khu di tích được xếp hạng là di tích quốc gia cấp đặc biệt vào năm 2012.

 Khu lưu niệm Nguyễn Du hiện nay có tổng diện tích khoảng 28.562m2, thuộc địa bàn thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, gồm các hạng mục chính sau:

Nhà tư văn: do Quận công Nguyễn Nghiễm dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn năm 1785, được tu sửa vào các năm Tự Đức thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 13 (1860). Ban đầu, đây là địa điểm tụ hợp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng.

Nhà thờ Nguyễn Du: dựng năm 1820, tại khu vực vườn nhà Nguyễn Du, thuộc xóm Tiền, thôn Lương Năng.

Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh: do Nguyễn Nghiễm cùng người em là Nguyễn Trọng dựng năm 1762, để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ.

Nhà trưng bày: năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, ngôi đình Chợ Trổ của xã Đức Nhân, huyện ĐứcThọ, có niên đại cuối thế kỷ XVIII, đã được chuyển về Khu lưu niệm, để làm nơi trưng bày một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền). Hiện nay, đây là khu vực trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...

Khu lăng Văn Sựnằm gần bờ sông Lam, thuộc giáp Đông, thôn Lương Năng. Đây là mộ cụ tổ đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Khu vực này còn là nơi an táng Giới Hiên công Nguyễn Huệ, trưởng nam đời thứ 6 của dòng họ và Thuật Hiên công Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du.

Mộ Đại thi hào Nguyễn Dutáng ở Đồng Cùng, thuộc giáp Tiền (xã Tiên Điền), quay hướng chính Tây, có tổng diện tích khoảng 3.219m2. Ban đầu, đây chỉ là ngôi mộ đất đơn sơ, sau đó cụ Đặng Thai Mai dựng tấm bia ghi “Tiên Điền Nguyễn tiên sinh phần mộ”.

Đền thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm: ở thôn Bảo Kệ (nay là thôn Minh Quang, xã Tiên Điền) có tổng diện tích khoảng 682m2, mặt bằng kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, phong cách kiến trúc thời hậu Lê.

Đền thờ và mộ Nguyễn Trọng: ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền. Nguyễn Trọng (1709 - 1789), là con thứ 3 của Nguyễn Quỳnh, là chú ruột của Nguyễn Du. Đền quay hướng Nam, tổng diện tích khoảng 998m2 .Trước đây, phần mộ này được táng tại đồng Đùng, thuộc thôn Minh Quang, xã Tiên Điền.

Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Duthuộc địa phận giáp Tiền, thôn Lương Năng, làng Tiên Điền, là nơi nghỉ dưỡng của Nguyễn Du mỗi dịp về quê. Sau khi Nguyễn Du mất, ngôi nhà trong vườn được cải tạo thành nhà thờ ông.

Ngoài ra, trong Khu di tích còn hệ thống di vật, cổ vật gắn với một số nhân vật của dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền), tiêu biểu như bia Cầu Tiên, do Nguyễn Nghiễm soạn, bia Trường Ninh, khánh đá ghi lại việc sửa chùa...

khu-luu-niem-dai-thi-hao-nguyen-du.jpg
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
 
Khu Di Tích CỐ TỔNG BÍ THƯ TRẦN PHÚ
 khu-di-tich-co-tong-bi-thu-tran-phu-hotel24h.net.jpg
 Khu lăng mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú

Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam. Khu di tích ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, cách thành phố Hà Tĩnh 50km, là một quần thể di tích thơ mộng và hữu tình, trên có núi Quần Hội, Tùng Lĩnh, dưới có bến Tam Soa và ngã ba Linh Cảm.

Đồng chí trần Phú thuộc thế hệ những người cộng sản lỗi lạc, sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói

     “Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí đó đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”

 
Khu Di Tích CỐ TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập- Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam (1936-1938), ở làng Thổ Ngoạ, tổng Kim Nặc(nay là xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích nằm về phía Tây cách đường Quốc lộ 1A hướng Bắc- Nam khoảng 500m. Ngôi nhà tranh 4 gian nằm nép mình trong luỹ tre xanh là nơi đã ghi dấu biết bao kỷ niệm về quê hương, dòng họ, gia đình đồng chí Hà Huy Tập. 
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, đồng chí đã sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, cách mạng của cha anh để hình thành cho mình nhân cách và lý tưởng sống vì dân, vì nước.

Nhà của gia đình đồng chí Hà Huy Tập cũng như biết bao gia đình nghèo khác ở Hà Tĩnh lợp tranh, vách đất. Nhà thấp, đòn tay và rui bằng tre, hai gian ngoài đặt một cái sập gỗ và hai tràng kỷ bằng tre, gian trong đặt một chiêc giường đôi. Đầu hồi gian trong trái ra làm nơi nấu ăn. Sân nhà bằng đất, xung quanh dựng gạch đứng. Nhà nằm trong khu vườn hình chữ nhật có diện tích là 1540 m2. Trong vườn có một số cây ăn quả và cây cảnh. Ngôi nhà và khung cảnh tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đã chứng kiến sự ra đời, tuổi thơ và sự hình thành nhân cách của một danh nhân cách mạng lớn-Hà Huy Tập.

khu-di-tich-co-tong-bi-thu-ha-huy-tap-hotel24h.net.jpg
                                                          Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới. Ngày 1-5-1938, đồng chí Hà Huy Tập bị mật thám bắt ở Sài Gòn. Toà Tiểu hình Sài Gòn kết án đồng chí 2 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú. Tháng 3-1939, đồng chí bị trục xuất về quê và chúng cấm không cho bất kỳ một trường học nào ở Hà Tĩnh nhận Hà Huy Tập làm giáo viên. 

Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập-Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam năm1936-1938, ở Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh được Bộ Văn hoá công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia năm 1991.

Khu Di Tích HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là đại danh y của dân tộc - ông tổ của nền Đông y Việt Nam - một con người rất thông minh, học giỏi nhưng không màng đến danh lợi. Ông luôn tìm tòi nghiên cứu, trồng thuốc, chữa bệnh, làm thơ và viết lên những bộ sách lớn như: Hải Thượng Y tông tâm lĩnh; Thượng kinh ký sự….ông đã có công sưu tầm, bổ sung nhiều phương thuốc có giá trị còn lưu truyền trong dân gian và để lại cho muôn đời.

khu-di-tich-Le-Huu-Trac-1-hotel24h.net.jpg
                                              Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 01 năm 1720;  mất ngày Rằm tháng giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1791)  tại quê mẹ xã Tình Diệm xưa, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Truyền thuyết kể lại rằng, sinh thời ông thường thả diều trên đỉnh Núi Giả, Hồ Sen và ông dặn dò con cháu đến lúc diều rơi ở đâu thì khi ông mất an táng ông ở đó. Mộ của ông bây giờ nằm ở dãy núi Cánh Diều dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung. Ngôi mộ nằm ở độ dốc 30o, đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự, chân mộ chiếu thẳng vào đỉnh cao của dãy Trường Sơn. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh nơi đây như một bức tranh thuỷ mặc, bên phải có khe Nước Cắn chảy rì rào, trước mặt có dòng sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa và một vùng đồi núi, làng mạc nên thơ.

khu-di-tich-Le-Huu-Trac-2-hotel24h.net.jpg
                                                   Khuôn viên mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Quần thể di tích lịch sử văn hoá Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia được Bộ Văn hoá, Thông tin xếp hạng năm 1990. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, quần thể di tích được các thế hệ nhân dân gìn giữ, ngưỡng mộ. Để tôn vinh những đóng góp to lớn và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Đại Danh Y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngày 31 tháng 10 năm 2003 Bộ trưởng Bộ Y Tế đã quyết định phê chuẩn Dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Công trình được khởi công ngày 21 tháng 11 năm 2004. Đến nay các hạng mục công trình đã hoàn thành, được xây dựng rất khang trang và đưa vào sử dụng để đón các đoàn khách đến tham quan.

Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là nơi tham quan hấp dẫn, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi giáo dục truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời đây là nơi giao lưu các giá trị văn hoá của mảnh đất, con người Hương Sơn với bạn bè gần xa. Mảnh đất Hương Sơn luôn thân thiện đón chào quý khách đến với vùng quê của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nơi ông đã gắn bó cuộc đời mình và cống hiến cho đời một kho tàng các trị văn hoá tốt đẹp mà muôn đời các thế hệ mai sau ngưỡng mộ. 

Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với việc 10 nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam bị bom của Không lực Hoa Kỳ giết chết vào ngày 24/7/1968. Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Đây là một trong những điểm giao thông quan trong trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. 

Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã chết khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình.

Ngày 23/7/2009, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ khởi công phụng tượng 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc",ngày 19/8/2010 đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành cụm tượng đài.[5] Công trình phụng tượng 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc là công trình có giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc, được xây dựng bằng sự tự nguyện đóng góp của các các viên chức ngành giáo dục, học sinh, sinh viên trong cả nước.

                   Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, ý chí, sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam.

Chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích ở tỉnh Hà Tĩnh toạ lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc huyện Can Lộc. Theo truyền thuyết, chùa là nơi thờ công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương nước Sở,

chua-huong-tich-hotel24h.net.jpg
                                                                         Chùa Hương Tích

Chùa tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh là một ngôi chùa có từ thế kỷ 13. Tuy nhiên, chùa ban đầu đã bị hỏa hoạn làm cháy trụi vào năm 1885. Kiến trúc chùa hiện này được Đào Tấn cho xây vào năm 1901. Năm 2003, chùa được trùng tu. Hội chùa diễn ra vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Cứ 3 năm lại tổ chức hội lớn một lần. Chùa thờ Phật Quan Âm và có cả một am thờ Mẫu.

Chùa Hương Tích ở Hà Tây thật ra chỉ là một "phiên bản" đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Theo cuốn Hương Sơn thiên trù thiền phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương Tích ở Hà Tây từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704). Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ. 

cap-treo-chua-huong-tich-hotel24h.net.jpgDuong_len_chua.JPG
                                                                  Đường lên chùa Hương Tích

Đền Chợ Củi

Thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Hà Tĩnh 40km, cách thành phố Vinh 10km, đền được dựng từ thời Lê, thờ Liễu Hạnh Công chúa và ông Hoàng Mười. Hội đền được tổ chức vào ngày 8/10 âm lịch hằng năm.

den-cho-cui.jpg

Từ cầu Bến Thuỷ theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam 4km, rẽ phải, đi tiếp 200m nữa du khách sẽ thấy dưới chân núi Ngũ Mã, ẩn hiện trong vườn cây cổ thụ có một ngôi đền cổ kính uy nghi. Đó là đền Chợ Củi, còn gọi là đền Củi. Đền Củi thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đến với đền Củi có thể đi bằng đường bộ, đường sông đều thuận lợi. Trên mặt Tiền ở nhà hạ điện dài 9m, rộng 0,6m của ngôi đền có 4 chữ hán to: “Thánh mẫu linh từ”. Nghiên cứu các tài liệu thành văn và khảo sát thực địa, có thể  khẳng định vị thần được thờ chính trong đền Củi là thánh mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay chưa tìm được niên đại ra đời của đền Củi. Khi Lê Khôi đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này nhưng quy mô còn rất nhỏ và lợp tranh. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo đền mới được lợp ngói. Diện mạo ngôi đền Củi ngày nay, có phong cách kiến trúc đậm đà dấu ấn thời Nguyễn.

den-cho-cui-1-hotel24h.net.jpg

Trung điện gồm 3 gian, 2 hồi, gian chính giữa gồm một bức tượng trong tư thế ngồi, đó  là tượng Chiêu Trưng đại Vương Lê Khôi. Thượng điện nhỏ và cao hơn trung điện và hạ điện. Thượng điện là nơi cung kính nhất, đặt bàn thờ tam toà thánh mẫu gồm có 3 bức tượng làm bằng gỗ quý được sơn son thiếp vàng đang ngồi, mắt sáng, tai to, vẻ mặt trung hậu. Bàn thờ bên trái đặt một pho tượng, nhân dân gọi là tượng ông Hoàng Mười. Hàng năm ở đền Củi có 3 ngày đại lễ: ngày 3/3 âm lịch giỗ Đức thánh mẫu Liễu Hạnh; ngày 20/8 âm lịch giỗ Hưng Đạo Vương; ngày 10/10 âm lịch lễ hội Đức thánh Hoàng Mười.
Đền Củi đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/1/1993 xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Đền thờ Bà Nguyễn Thị Bích Châu

Thuộc xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, cách thành phố Hà Tĩnh gần 60km, đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu là cung phi của vua Trần Duệ Tông, người đã soạn thảo và dâng “Kê minh thập sách” (10 kế sách trị nước yên dân). Đây là một ngôi đền linh thiêng nhất tại Hà Tĩnh. Hội đền được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm.

den-tho-ba-nguyen-thi-bich-chau-hotel24h.net.jpg

Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m², quay về hướng Đông Nam. Bên phải là cửa Khẩu và núi Cao Vọng, bên trái là núi Ô Tôn, trước mặt là bãi biển Vũng Áng, sau lưng là núi Bàn Độ. Lúc đầu kết cấu đền chỉ có tiền miếu hậu lăng. Năm 1470 trong lần đem quân đi đánh Chiêm Thành giành chiến thắng trở về vua Lê Thánh Tông cho quân dừng lại nơi đây và sai người chặt gỗ, gọt đá xây dựng ba toà điện thờ bà và sắc phong cho bà là: "Chế Thắng phu nhân".

Kiến trúc khu đền ngày nay bao gồm hai khu vực: Khu công trình phụ gồm cổng phụ, đường đi, cổng chính và nhà quan tả; Khu công trình chính gồm Hạ điện, Trung điện và Thượng điện nhà tiếp khách, nhà sắc và khu hành lang. Ba toà điện Hạ điện, Trung điện, Thượng điện và nhà dâng hương là hệ thống nối liền khép kín với nhau kiến trúc theo kiểu chữ Công (工). Phía sau Thượng điện tương truyền có mộ của bà Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu.

Hồ Kẻ Gỗ

ho-ke-go-hotel24h.net.jpgHokego1.jpg 

 Thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, cách thành phố Hà Tĩnh gần 20km, đây không chỉ là một công trình thuỷ lợi quan trọng mà còn là một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng, được nhiều người biết đến qua bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”.

Hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 và hoàn thành vào ngày 26/3/1979. Nó là công trình đại thuỷ nông với trữ lượng 350 triệu m3 nước, tưới cho gần 17.000 ha lúa, mùa, vùng đất thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh. Hồ Kẻ Gỗ còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho các vùng dân cư với chiều dài hơn 30 km. Hồ len lỏi giữa các triền núi, như chiếc gương khổng lồ soi bóng những dãy núi, những rừng cây ngút ngàn.

Khu BTTN Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng, v.v... Đây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonsia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya. Đến nay, tại khu BTTN Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ. Gà lôi lam đuôi trắng, một trong ba loài gà lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng, và nhiều loại quý hiếm khác. Trong 47 loài thú ở đây có 18 loài (chiếm 21%) được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của các loại mộc lan, phong lan đẹp và quý như quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ, v.v...

Vườn quốc gia Vũ Quang

Thuộc huyện Vũ Quang, cách thành phố Hà Tĩnh 75km, Vườn quốc gia Vũ Quang có thảm thực vật và động vật rất phong phú. Đặc biệt ở đây có 3 loài thú đặc hữu là chà và chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng và 2 loài thú quý hiếm là sao la hay dê sừng dài và mang lớn.

VQG Vũ Quang có 5 kiểu rừng chính được phân chia theo các đai cao khác nhau: rừng kín thường xanh trên đất thấp phân bố ở độ cao 100 - 300m; rừng thường xanh trên núi thấp phân bố trong khoảng độ cao từ 300 - l.OOOm; rừng thường xanh trung binh ở độ cao từ 1.000 - 1.400m gom chủ yếu các loài cây lá rộng; rừng thường xanh trên núi cao phân bố ở độ cao 1.400 - 1.900m; rừng phân bố trên độ cao lớn hơn 1.900m. Về thực vật, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1.612 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 191 họ và 676 chi ở VQG Vũ Quang. Trong đó, có 94 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN và Nghị định 32/2006/NĐ/CP của Chinh phủ về việc cấm hoặc hạn chế khai thác, săn bắn hay buôn bán các loài động vật hoang dã. Đáng chú ý, Vũ Quang có tới 686 loài cây được dùng làm thuốc và 339 loài cây gỗ.

Hệ động vật của Vũ Quang cũng rất đa dạng, phong phú. Các nghiên cứu đã ghi nhận, Vườn có 94 loài thú thuọc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm, trong đó, có 26 loài thú, 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Mặt khác, Vườn còn có 36 loài thú đặc hữu như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng... Một số loài thuộc nhóm động vật nguy cấp thường xuyên xuất hiện tại đây như voi, mang lớn, cheo cheo và một số loài khỉ, dơi. Đặc biệt, Vườn cũng phong phú các loài rùa sinh sống, nhiêu con đã sổng hàng trăm năm như rùa hộp trán vàng, rùa hộp ba vạch, rùa núi viền... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng động vật cũng như thực vật đã bị suy giảm đáng kể. Một số loài còn rất ít cá thể hoặc đã bị tuyệt chủng.

vuon-vu-quang.jpgvuon-vu-quang-1.jpg

Khu du lịch sinh thái Nước khoáng nóng Sơn Kim

Thuộc xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, cách cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo 17km, cách thành phố Hà Tĩnh 100km. Nước khoáng nóng ở đây đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá về trữ lượng và chất lượng. Đây là khu du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách.

kdl-nuoc-khoang-thai-son-kim-hotel24h.net.jpg

Nguồn nước nóng Sơn Kim phun từ lòng đất qua các khe nứt của đá Granit có nhiệt độ ở độ sâu 50m là 150ºC và ở bề mặt là 75ºC, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá về trữ lượng cũng như chất lượng, được xem là một trong những mỏ nước khoáng tốt nhất phía Bắc Việt Nam, phù hợp cho việc giải khát, dưỡng bệnh và chữa bệnh. Theo các nghiên cứu khoa học, nước khoáng nóng có tác dụng về nhiều mặt. Khi ngâm tắm trong nước khoáng, các vi lượng có sẵn trong nước khoáng sẽ tác dụng vào tế bào da, giúp duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể và giảm “stress”… Hiện nguồn nước khoáng Sơn Kim đang được Công ty cổ phần nước khoáng và du lịch Sơn Kim Hà Tĩnh đóng chai làm nước giải khát với công suất khai thác 20 triệu lít / năm.

nuoc_khoang1.jpgnuoc-khoang.jpg

Nằm giữa một vùng thiên nhiên sơn thủy hữu tình, Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim là tổng hòa các cảnh sắc tươi đẹp. Hành trình đến với khu du lịch này chỉ thật sự trọn vẹn khi du khách khám phá những khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và đa dạng, những dòng suối trong xanh với nhiều bãi đá, cát tự nhiên, nhiều thác nước hùng vĩ của núi rừng Hương Sơn như thác Cá Nhảy với nhiều truyền thuyết dân gian độc đáo, thác Tiên Nữ với dòng nước dội thẳng đứng từ trên cao tung bọt nước trắng xóa cả một vùng…, đặc biệt được ngâm mình trong dòng nước khoáng nóng lấy từ độ sâu 100m dưới lòng đất – một cách thư giản và giảm “tress” hiệu quả. Hiện tại đây đã có các dịch vụ như tắm nước khoáng nóng, du lịch mạo hiểm - săn bắn, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh…

Đèo Ngang – Hoành Sơn Quan

Là ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Đèo Ngang cách thành phố Đồng Hới 80km, cách thành phố Hà Tĩnh 75km. Năm 1838, thắng cảnh Đèo Ngang được khắc vào Huyền đỉnh đặt tại Đại Nội – Huế. Thắng cảnh kỳ vĩ, tươi đẹp này đã đi vào thơ văn, nhạc hoạ trong đó tiêu biểu nhất là bài “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan.

deo-ngang.jpg

Trên đỉnh đèo Ngang hiện còn “Cổng Trời” di tích của cửa ải Hoành Sơn Quan bằng gạch đá được xây vào năm 1833 thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo. Đứng trên đỉnh Ngoạn Mục để ngắm biển thì tuyệt đẹp, núi non kỳ vĩ, biển trời mênh mông.
Gần đèo Ngang về phía Quảng Bình có đền thờ bà Liễu Hạnh di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo, các bãi tắm Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với rừng dương xanh mướt, cát vàng óng ánh và các đảo ở ngoài khơi như Hòn La, Hòn Vụng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến tạo thành những thắng cảnh tuyệt đẹp. Gần đèo Ngang về phía Hà Tĩnh có bãi tắm đèo Con sạch đẹp, thoải và kín gió. Đền thờ bà Bích Châu hay còn gọi là đền thờ bà Hải gần núi Cao Vọng, núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, vũng Áng, là quần thể danh thắng du lịch bắc đèo Ngang.

Khu du lịch Quốc gia Thiên Cầm

Thuộc thị xã Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, là bãi biển đẹp nhất Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 28km về phía Nam. Đến đây, du khách không chỉ được tắm biển mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển cả xen lẫn với núi non hùng vĩ, tham quan đảo Bớc, đảo Én, chùa Cầm Sơn, hang Hồ Quý Ly,…

Được xác định là khu du lịch nghỉ mát, tắm biển và sinh thái, kết hợp các khu vui chơi giải trí và thể thao, Khu du lịch quốc gia Thiên Cầm được chia thành 5 phân khu: Khu A - Bắc Thiên Cầm (266,5ha), Khu B - Nam Thiên Cầm (57,3ha), Khu C - khu làng nghề Cẩm Nhượng (209ha), Khu D - khu sinh thái núi Cẩm Lĩnh (576ha), Khu E - xã Cẩm Dương và một phần thị trấn Thiên Cầm (448,2ha). Trọng điểm của khu du lịch Thiên Cầm là bãi biển Thiên Cầm hình cánh cung trải dài gần 3km từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, được bổ sung bởi dãy núi Cùm Nậy (núi lớn), Cùm Con (núi bé) và đan xen bởi dòng suối Kỳ La uốn lượn làm tăng nét duyên dáng cho một bãi biển còn khá hoang sơ. Nơi đây núi không cao lắm, lại nằm kề biển tạo nên một sự phối ngẫu sơn thủy hữu tình với làn nước biển trong xanh và những bãi cát vàng mịn màng óng ả. Đêm ngày tiếng sóng dội vào hang núi tạo ra những hiệu ứng thần kỳ, làm liên tưởng đến những âm vang thánh thót vọng về từ trời cao và người xưa đã khéo ví von gọi đó là tiếng đàn trời – Thiên Cầm. 

bien_thien_cam_1_hotel24h.net.jpg
                                                                    Biển Thiên Cầm

Núi Thiên Cầm cao 108m so với mực nước biển, trên núi có bàn cờ tiên, có dấu bàn chân trái của người khổng lồ in trên phiến đá vẫn còn hằn rõ qua hàng triệu năm dâu bể. Cách chân núi không xa và gần bãi tắm là chùa Yên Lạc cổ kính được dựng từ thế kỷ 13, nổi tiếng với bộ tranh “Thập điện Diêm vương”. Gần đó còn có đền Cầm Sơn được dựng từ trước thế kỷ 13 thờ cha con Hồ Quý Ly, nay phối thờ cả Phật nên được gọi là chùa Cầm Sơn. Biển Thiên Cầm là một ngư trường đặc biệt với cả trăm loài hải sản, từ cua, cá đến tôm hùm, mực ống… Nơi đây ngoài nước mắm Nhượng thơm ngon nổi tiếng, còn có một loại đặc sản nghe đâu có nguồn gốc từ tận bên Tây Tạng thiên di sang dãy Trường Sơn kiếm ăn, đó là chim Cu kỳ. Cu kỳ là một loài chim to bằng con gà ta, có lông màu nâu hoặc xanh, có chấm xanh viền ở cổ. Thịt chim Cu kỳ thơm ngon đặc biệt, du khách đến đây mà không một lần thử món chim “dách lầu” này thì quả là còn thiếu sót.

Thiên Cầm ngày nay đang dần định hình thành một khu du lịch hấp dẫn, khai thác vẻ đẹp tiềm tàng mà thiên nhiên dành sẵn cho vùng đất nơi đây. Những con đường trải nhựa thẳng tắp, những khu nhà nghỉ, khách sạn cao tầng khang trang cùng nhiều dịch vụ bổ sung đã đem lại nhiều thuận tiện cho khách tắm biển và nghỉ dưỡng. Đến với khu du lịch biển Thiên Cầm, du khách được dịp hòa mình vào sóng biển, khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên và thưởng thức những món đặc sản độc đáo của một vùng quê miền Trung đầy nắng gió…

Biển Xuân Thành

Thuộc xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Vinh 15km, cách thành phố Hà Tĩnh 55km. Bãi biển thoải, dài hơn 5km, nước biển có độ mặn vừa phải. Dọc biển là con lạch nước ngọt Mỹ Dương, tiếp đó là dải rừng rộng 100m qua dải rừng là biển, biển cứ vờn cát trắng, sông cứ chạy theo rừng, tạo nên một không gian đầy thơ mộng.

Từ bãi biển Xuân Thành, nếu du khách muốn thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên trong khu rừng phòng hộ ngăn gió bão, mưa lũ cho khu dân cư phía trong bờ; du khách phải vượt qua cây cầu bắc ngang sông Mỹ Dương.

BaiBienXuanThanh2.jpg

Một điều làm nên sức hấp dẫn của bãi biển Xuân Thành, đó là: Sau mỗi lần dạo bước trên bãi biển, ngâm mình trong sóng nước và ngắm nhìn hệ thống đảo: đảo Ngư, đảo Mắt nối tiếp nhau, thấp thoáng phía chân trời; du khách lại được thưởng thức các món ẩm thực chế biến từ các loại hải sản: cua, ghẹ, tôm, mực, sò huyết, cá ngựa... với giá cả hợp lý, phải chăng.

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

Thuộc huyện Hương Sơn, cách thành phố Hà Tĩnh 115km, có đường quốc lộ 8A đi qua, là con đường ngắn nhất từ vùng Trung, Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan ra biển Đông của Việt Nam.

CuakhauCautreo.jpg

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập nhằm mục đích nhằm đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam với Lào, thúc đẩy kinh tế phía Tây Hà Tĩnh và toàn tỉnh Hà Tĩnh phát triển. Nằm trên Quốc lộ 8 qua biên giới Việt- Lào, Cửa khẩu Cầu Treo có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây cũng là cửa ngõ ngắn nhất để Lào và các nước trong tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng hướng ra biển Đông qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng- Sơn Dương.

Khu kinh tế Vũng Áng

Có diện tích 22,781ha, nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh, cách thành phố Hà Tĩnh 65km về phía Đông Nam, khu kinh tế Vũng Áng phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành nghề, trong đó hạt nhân là trung tâm luyện cán thép và liên hợp cảng biển nước sâu.

vung-ang-hotel24h.net.jpg

Mục đích thành lập khu kinh tế Vũng Áng là khai thác lợi thế vị trí địa lý tự nhiên (gần cảng nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương, gần quốc lộ 1A, trên quốc lộ 12A nối với Lào và Thái Lan, gần mỏ sắt Thạch Khê) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh, tạo điểm bứt phá về kinh tế – xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập với cả nước và quốc tế.