Hà Tĩnh miền đất có nhiều món ăn tuy dân dã nhưng mang hương vị độc đáo khiến thực khách khó lòng quên được. Là một tỉnh nổi tiếng với nhiều món đặc sản mang đậm bản chất của người dân miền Trung - Hà Tĩnh dường như đã được thiên nhiên ưu ái khi các đặc sản nơi đây ngày càng đa dạng và phong phú. Qua đó, Hotel24h.net sẽ cho các bạn thưởng thức các đặc sản Hà Tĩnh bằng thị giác của chính mình để xem chúng hấp dẫn như thế nào nhé!!!
1. Cu Đơ Hà Tĩnh - Kẹo ăn cùng với chè xanh
Kẹo cu đơ có hình tròn như mặt trăng đêm rằm, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cài giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa cay…ăn rất “lạ miệng”.
Nguồn gốc cái tên “cu đơ” cũng xuất phát lâu lắm rồi, người ta kể rằng Cu Đơ xuất phát đầu tiên ở vùng Hương Sơn- Hà Tĩnh từ thời Pháp thuộc. Kẹo do ông Cu Hai (cu là cách gọi người con trai đầu lòng- một cách gọi tên của người Hà Tĩnh) sáng chế ra để bán cho bà con trong làng. Nhưng khí lính Pháp đến quán ông ăn được thưởng thức quà lạ này nên đã đặt tên cho dễ nhớ, bởi thế kẹo Cu Hai thành Cu Đơ (trong tiếng Pháp Duex- Đơ là hai). Ban đầu ông Cu Hai nấu kẹo bằng mật mía, lạc và gừng nhưng nấu xong đổ ra lá chuối, mỗi lần ăn phải dùng tay bóc ra, mãi về sau mới sáng chế ra thay lá chuối bằng bánh tráng vừng khô.
Kẹo Cu Đơ ngày nay, cầu kỳ và bắt mắt hơn nhiều. Lạc được chọn làm nhân phải là lạc đồi, giòn, đều hạt, vỏ ngoài mỏng và bóng. Mật mía phải là thứ mật sánh, thơm và đặc như mật ong. Bánh tráng không quá dày cũng không quá mỏng, phải có vừng và gừng ở đều vỏ bánh.
Cầm miếng Kẹo Cu Đơ rên tay vừa nặng, vừa chắc, cắn miếng bánh phải dẻo quẹo, nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc, đấy mới là chiếc bánh chuẩn và ngon. Ăn kẹo Cu Đơ và ngâm nga bát nước chè xanh cùng đôi câu chuyện thấy cuộc sống và con người xứ Nghệ thật đôn hậu, một nét văn hóa độc đáo.
2. Bưởi Phúc Trạch
Nổi tiếng từ lâu đời với vị ngọt thanh, pha chút vị the mà không chua, không đắng, quả hình cầu tròn, vỏ màu xanh vàng, trọng lượng từ 1-1,5kg/quả, số múi từ 14-16 múi/quả, bưởi Phúc Trạch chỉ có thể giữ được bản sắc hương vị khi được trồng ở bốn xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đo và Lộc Yên thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Bưởi Phúc Trạch chỉ có mùa vào khoảng tháng 7,8 và 9 âm lịch, lâu nay sản lượng thường không đủ để cung cấp cho nhu cầu của các tỉnh phía Bắc. Điều đặc biệt là giống bưởi này đã được lấy đi trồng ở nhiều nơi và cũng được chăm sóc rất công phu nhưng quả không bao giờ ngon được như trên đất Phúc Trạch. Chuyện kể rằng : cách đây gần 200 năm, trong vườn nhà của một gia đình ở xã Phúc Trạch có một cây bưởi đơn đột biến tự nhiên cho những quả vàng ươm, ăn ngon khác lạ nên bà con trong vùng đua nhau chiết cành giâm trồng. Đến nay, giống bưởi này đã thành đặc sản của vùng và được đặt luôn tên gọi là bưởi Phúc Trạch. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu rau quả và Sở Khoa học công nghệ và môi trường Hà Tĩnh, chính loại đất sét mịn, sâu pha lẫn đất phù sa được bồi đắp hàng năm, cộng với vùng tiểu khí hậu mát mẻ, không hề bị ảnh hưởng bởi gió Lào (do được bao bọc bởi hai dãy núi Khai Trướng – còn có tên khác là núi Giăng Màn và Thiên Nhẫn ở phía đông và phía tây) là điều kiện lý tưởng để 4 xã nói trên trồng giống bưởi ngon không đâu có được. Bưởi Phúc Trạch sống lâu năm, vài năm đầu cây cho quả tương đối thấp, nhưng từ năm thứ 6 trở đi lượng quả thu được khá ổn định: 90-120 quả. Quả sai nhất là khi cây ở độ tuổi 11-15. Cây bưởi già trên 20 năm vẫn “giữ phong độ” năng suất quả cao, thậm chí có cây trên 60 năm tuổi vẫn bói 50-150 quả. Cây bưởi càng già quả càng ngon, ngọt đậm. Nếu tính thời gian sống và “trình độ” cho quả lâu năm thì bưởi Phúc Trạch bỏ xa các loại cây ăn quả có múi khác như chanh, cam, quýt… Không chỉ có giá trị ở độ ngon ngọt, bưởi Phúc Trạch còn được chuộng vì rất dễ bảo quản. Quả có lớp vỏ dày, cứng nên vận chuyển đi xa rất ít bị giập nát. Bưởi tươi ngon rất lâu mà không cần bất kỳ loại hóa chất bảo quản nào. Ở Hương Khê, một số gia đình chỉ cần vùi bưởi vào cát ẩm hoặc bôi vôi vào cuống rồi để ở nơi thoáng mát là có thể giữ được 3 – 5 tháng. Vỏ quả có thể hơi khô héo đi, nhưng chất lượng múi bên trong không hề suy giảm. Không chỉ là vẻ đẹp của một vùng quê, bưởi Phúc Trạch còn mang lại giá trị kinh tế cao bởi nó là nguồn thu chủ yếu cho các gia đình làm vườn ở đây.
Bưởi Phúc Trạch từng được thưởng mề đay “Vàng” trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương vào năm đầu thế kỷ 20. Năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận bưởi Phúc Trạch là một trong 7 loại cây ăn quả quí hiếm cấm không được xuất khẩu giống. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2010, bưởi Phúc Trạch được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lí “Phúc Trạch”…
3. Cam bù Hương Sơn
Là đặc sản của huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh, được trồng chủ yếu ở 12 xã trong huyện. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao.
Cam bù xuất hiện trên đất Hương Sơn như một loài cây bản địa, mọc tự nhiên khắp nơi. Vào những năm 60, sau khi phát hiện ra cây ăn quả có giá trị, nông dân Hương Sơn mới đua nhau ồ ạt trồng cam bù để làm giàu. Một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây ăn quả có múi nhận xét về cam bù Hương Sơn: Giá trị của cam bù thì khỏi phải bàn, bởi cam bù Hương Sơn hình thức bên ngoài tạo hoá hình bầu tròn trỉnh, lúc chín cam bù có màu sắc vàng ruộm, nhìn bên ngoài đã muốn thưởng thức rồi, khi bóc quả cam ăn, du khách không cần phải dùng bất kỳ một loại vật cứng hợp kim nào mà chỉ dùng ngón tay trỏ là bóc được cả quả cam nguyên vỏ, nguyên ruột. Những quả cam chín mọng, múi thường căng đầy mật, khi bóc phải hết sức nhẹ nhàng không để múi cam bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến hương vị tinh khiết của loài quả đặc sản này. Thưởng thức múi cam bù hương vị dịu ngọt trong đó như chứa chất hàm lượng của thiên nhiên tạo hoá ban tặng.
Người Hương Sơn họ cho rằng loài cây cam bù này như "vị cứu tinh" những lúc nông dân khốn khó, nhưng cây cam bù khá khó tính bởi loài cây này chỉ chấp nhận bón phân hữu cơ (phân chuồng) thôi, còn nếu ai đó sử dụng các loại phân hoá học để bón là cây trở chứng ngay. Vì thế người Hương Sơn xem cây cam bù như cây bản địa tự nhiên nên hương vị, giá trị của cam bù không những thưởng thức ngọt lịm mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể...Nhà nông ở Hương Sơn mỗi khi trời nắng đi làm đồng về mệt lã, bóc quả cam bù ra ăn chỉ sau vài phút là khoẻ lại ngay. Ngày tết ai đó có vui bạn bè uống hơi quá chén chỉ cần vắt ít nước cam bù cho uống là hết say ngay. Cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiểu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn gấp 10-20 lần so với các cây trồng khác. Đặc biệt, trong ngày tết cam bù là sản phẩm phù hợp làm quà dâng hiến tổ tiên, làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa; phong tục ngày tết của người Hà Tĩnh, thiếu gì thì thiếu chứ đĩa cam bù đặt lên bàn thờ là không thể thiếu được. Chưa có quả cam bù đặt lên bàn thờ thì chưa gọi là tết".
4. Hươu sao Hương Sơn
Là loài động vật quý hiếm, hươu sao được nuôi để khai thác nhung – một nguyên liệu để sản xuất nhiều dược phẩm giá trị. Nhung hươu Hương Sơn đã trở thành một thương hiệu bền vững đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
5.Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh
Là sản phẩm được sản xuất ngay trên quê hương Hà Tĩnh, Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh chính thức góp mặt trên thị trường từ năm 2013. Sản phẩm sản xuất chính là bia chai 355ml và bia lon 333. Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh được nhiều người lựa chọn đã góp phần khẳng định uy tín thương hiệu của Sabeco – Bia Sài Gòn trên cả nước.
6. Bánh đa vừng đen
Đến Hà Tĩnh, du khách khó “cưỡng lại” sự hấp dẫn của bánh đa vừng đen. Loại bánh này từng là quà vặt dành cho trẻ con dần dần trở thành đặc sản của vùng quê miền Trung này. Những chiếc bánh tròn, xinh như chiếc lá sen, dày hơn so với các loại bánh tráng ở miền Nam hay miền Bắc.
Bánh đa vừng đen ngon nhất là khi vừa quạt (dùng quạt nan quạt lửa nướng trên than hồng). Quạt bánh tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ chút nào. Cần lượng than vừa phải, quạt đủ gió để than nóng mà không bốc lửa làm cháy sém bánh, nhưng quạt quá nhẹ sẽ khiến bánh bị sượng. Quạt khéo là làm sao để những hạt vừng nhỏ xíu vừa đủ chín, vẫn còn nguyên hạt… Bẻ một miếng nhai giòn rụm, vị béo của vừng đen quyện với vị ngọt của bột gạo, vị cay nồng của tiêu, hương thơm đậm đà của tỏi… Người dân Hà Tĩnh rất thích dùng bánh đa vừng đen kẹp với bánh mướt (bánh ướt) chấm với nước mắm ngon, hoặc ăn kèm gỏi bắp chuối, hến xào… Có người khi ăn phở, cháo cũng ăn cùng với bánh đa vừng đen. Hầu như du khách nào sau khi thưởng thức bánh đa vừng đen đều mua một ít về làm quà. Chỉ cần giữ khỏi ẩm, bánh đa vừng đen cất được rất lâu. Nếu không có bếp than củi, người ta cũng có thể chiên bằng dầu ăn. Bánh chiên giòn như bánh quạt than, nhưng ngấm dầu ăn nên hơi nhiều vị béo…
7. Bánh mướt
Có thể bạn đã từng ăn nhiều đặc sản của nhiều vùng miền trong cả nước, đã từng nghe đến nhiều món lạ, món ngon của từng vùng. Nhưng chắc rằng bạn không khỏi ngạc nhiên khi nghe tên “bánh mướt”, một món ăn đặc trưng của vùng nhân kiệt miền Nghệ An – Hà Tĩnh. Nếu như bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng được làm từ loại gạo tám thơm số một thì bánh mướt ở dải đất đầy nắng gió này chỉ khiêm tốn hình thành từ loại gạo tạp giao rẻ tiền… ấy vậy mà khi ăn thử miếng bánh, không ít người đã phải ngạc nhiên đấy, bánh trắng bóng, mềm, dẻo và hơi dai khác hẳn với cái mềm có độ giòn của bánh cuốn Thanh Trì.
Không nhỏ nhắn, ý nhị như bánh ở ngoài Bắc, bánh mướt to và dày dặn hơn giống cái “đòn xóc”. Có người đã ví bánh cuốn mong manh như cái heo may xứ Bắc, còn bánh mướt thì hào hứng đong đầy như ánh ban mai đón cá về cũng không sai nhỉ? Ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, bánh mướt là món ăn phổ biến mà bất kỳ người dân nào cũng ưa chuộng. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng. Nếu dùng bánh mướt để đãi khách thì có thể dùng kèm với chả giò, thịt nướng,… hay các món nước như bò sốt vang, xáo gà, xáo vịt… . Từng tấm bánh vừa tráng nóng hổi lấp lánh bên trên là những cọng hành khô thơm phức sẽ làm động lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất!
8. Ram bánh mướt (bánh cuốn)
Ai đến Hà Tĩnh mà chưa ăn bánh mướt cuốn với ram thì thật là uổng phí. Ram làm từ miến, thịt, ớt tiêu, nấm, lá lốt cuốn với bánh ram làm từ bột gạo….rán vàng. Không như nem các nơi khác. Khi ăn ta cuốn ram với bánh mướt chấm với nước mắm tỏi ớt, hương vị không thể chê vào đâu được. Nếu bánh cuốn ram ăn vào buổi sáng sớm thì Ram rau sống lại ăn bất cứ khi nào. Nếu bạn thích nhậu bạn có thể chọn ram cuốn với rau sống. Vào mùa đông rau diếp; xà lách là sở trường của mọi người dân hà tĩnh, hãy thử thưởng thức nhé.
9. Mực nhảy Vũng Áng
Vũng Áng là một khu kinh tế cảng biển tại huyện Kỳ Anh, phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, cách thị xã Hồng Lĩnh 70 km về phía Nam. Mực nhảy được thợ câu trong đêm, thả vào khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán cho các chủ nhà hàng.
Mực (cùng với các hải sản khác), được nuôi trong những chiếc lồng bằng lưới dưới lòng cảng. Thực khách vào xem còn thấy mực, tôm cá bơi lội tung tăng, nhảy nhót (vì vậy mới có tên là mực “nhảy”), có thể trực tiếp lựa chọn đưa cho đầu bếp chế biến. Người dân địa phương còn gọi mực nhảy là mực “nháy”, muốn nhấn mạnh đôi mắt mực còn sống nhấp nháy, hoặc da mực mới vớt lên khỏi nước ánh lên lấp lánh. Dù là mực “nhảy” hay mực “nháy” thì cùng giống nhau ở đặc điểm là mực còn tươi, sống. Có nhiều cách chế biến mực “nhảy”. Đơn giản nhất là mực để nguyên con, vớt lên cho vào nồi luộc ngay, vớt ra chấm với mù tạt hoặc nước mắm gừng, kẹp lá lốt rất ngọt và thơm, tuy hơi phiền một chút khi chất mực để lại vệt đen nơi miệng. Cách thứ hai là gỏi mực. Mực được làm sạch, cắt thành miếng, để ráo nước rồi trần qua nước chanh, chấm nước mắm. Món này không có vị tanh, trái lại có vị ngọt, mát. Ngoài ra còn có một số món khác như mực nhồi thịt, chả mực…, nhưng thực khách vẫn ưa chuộng nhất là hai món mực luộc và gỏi mực. Trưa hè nóng nực nhưng ngồi trên bè hơi nước và gió thổi lồng lộng rất mát, thuyền hơi bồng bềnh, vừa thưởng thức mực nhảy vừa ngắm cảnh sơn thuỷ hữu tình, thật không còn gì thú bằng.
10.Gỏi cá Đục Nghi Xuân
Cá đục dài khoảng 13 đến 18cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có. Gỏi cá đục chế biến khá công phu và phải làm đúng cách ăn mới ngon. Cá đục còn tươi, tách đôi, bỏ xương ngâm với chanh vắt chừng 15 phút. Sau đó vớt ra, vắt khô, để ráo. Mu dừa nạo nhỏ, trộn đều với cá. Lạc rang đâm mịn trộn với nước cá, nước dừa dùng làm nước lèo. Một gia vị nữa không thể thiếu là ớt tươi và tỏi. Ớt và tỏi giã nhỏ, trộn vào nước lèo, vừa ăn vừa xuýt xoa mới tuyệt! Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non.., cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng, khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo.
Khi ăn gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt. Rượu là “đồ mồi” của cá đục, chỉ cần rượu trắng thôi, cũng đã ngon lắm rồi. Rượu vừa có tác dụng đỡ lạnh bụng, lại vừa làm cho món gỏi ngon hơn rất nhiều.
Ngoài ra Hà Tĩnh còn nổi tiếng với các loại đặc sản như : Hến sông La, rượu Thanh Lạng, miến bột chợ Cầu, bánh gai Đức Thọ, bánh ong, giò lụa, cà muối, …