Cùng Hotel24h.net khám phá các địa điểm tham quan du lịch và nhiều ngôi chùa nổi tiếng tại Tp.HCM
Nếu bạn là người mới biết về Tp.HCM thì hãy đến với Hotel24h.net – Mạng đặt phòng khách sạn và tour du lịch giá tốt nhất, bạn sẽ có một chuyến tham quan vui vẻ mà không phải lo về giá cả. Bên cạnh đó Hotel24h.net sẽ tư vấn cũng như hỗ trợ tối đa về giá tốt và siêu tiết kiệm của các khách sạn Tp. HCM mà bạn muốn ở cùng người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp khi đặt chân đến vùng đất phồn hoa này.
1. BẢO TÀNG CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH.
Thành lập tháng 9 - 1975, tiền thân là nhà trưng bày tội ác chiến tranh Mỹ - Ngụy, năm 1998, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được Liên hiệp quốc công nhận là một trong số 61 bảo tàng thuộc hệ thống "Bảo tàng vì hòa bình" của thế giới. Tọa lạc tại số 28 Võ Văn Tần quận 3, TPHCM, thông qua những gì trưng bày, du khách tham quan có thể phần nào thấy được sự ác liệt của chiến tranh cũng như sự can trường của người dân Việt Nam.
Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên.
2. BẾN NHÀ RỒNG.
Toà nhà có đôi rồng gắn trên nóc, kiểu "lưỡng long chầu nguyệt" nên thường được gọi là "Nhà Rồng", do vậy bến cảng thuộc khu vực này cũng mang tên Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Trong hơn 20 nǎm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt có hàng trǎm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thǎm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. BƯU ĐIỆN TRUNG TÂM SÀI GÒN.
Toà nhà Bưu điện Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố, có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu và châu Á quyện vào nhau. Tòa nhà tọa lạc bên hông Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Ðức Bà) ở quảng trường Công Xã Paris. Nhà Bưu điện được xây dựng xong, trở thành một loại hình dịch vụ lạ và gây ấn tượng rất mạnh với dân chúng.
Tòa nhà nổi bật với sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Các chi tiết cân đối, chia đều ra hai bên, đối xứng nhau qua một "trục" trung tâm. Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Ở mặt tiền tòa nhà có hệ thống đường viền, đường chỉ là những chuỗi hoa văn chạy ngang, tạo nên vẻ đẹp, sự cân đối và làm cho tòa nhà có vẻ như không cao lắm.
4. CHỢ BẾN THÀNH.
Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay. Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.
5. CHÙA GIÁC LÂM.
Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ tam; chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, có bốn cột chính gọi là tứ trụ. Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Chùa hình chữ nhật, gồm 3 lớp nhà chính: chính điện, giảng đường, nhà trai, không kể các nhà phụ.
Chùa Giác Lâm là nơi chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Ngày xuân nơi đây đón hàng ngàn khách thập phương và du khách quốc tế đến lễ phật tôn kính và chiêm ngưỡng nét cổ kính uy nghiêm của chùa.
6. CÔNG VIÊN VĂN HÓA ĐẦM SEN.
Công viên Đầm Sen là một trong những công viên lớn và hiện đại nhất cả nước. Kiến trúc nơi đây thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Công viên Văn hóa Đầm Sen là một trong những công viên lớn và hiện đại nhất cả nước với diện tích gần 40 ha. Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, Công Viên Văn Hóa Đầm Sen còn là nơi vui chơi giải trí rất hấp dẫn cho các em thanh - thiếu nhi.
7. DINH THỐNG NHẤT.
Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, nó đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Dinh có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: dinh Norodom (1889 - 1954), dinh Thủ tướng (9-1954 - 10-1956), dinh Độc Lập (10-1956 - 10-1976) và ngày nay là Hội trường Thống Nhất. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước nhà. Ngày nay, dinh vừa là điểm tham quan du lịch lý tưởng, vừa là nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dinh mở cửa đón khách hằng ngày từ 7h30 đến 11h00 và từ 13h00 đến 16h00, kể cả thứ bảy, chủ nhật và lễ Tết.
8. ĐỊA ĐẠO CỦ CHI.
Địa đạo Củ Chi cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược. Với tầm vóc chiến tranh của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Địa đạo Củ Chi có hai điểm: Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy & Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh) và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi được bảo tồn tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm thành phố Hồ Chí Minh. Du khách được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những cư dân địa đạo thực thụ trước đây. Đến Thành phố Hồ Chí Minh, bạn hãy đến thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, để hiểu thế nào là cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ.
9. KHU DU LỊCH VĂN HÓA SUỐI TIÊN.
Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên tọa lạc tại cửa ngõ Ðông Bắc Sài Gòn, trên tuyến Xa lộ Hà Nội, thuộc địa bàn phường Tân Phú, Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh, cách trung tâm Thành phố khoảng 19km. Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên được xây dựng, cải tạo với mục đích kết hợp du lịch với giáo dục văn hoá lịch sử, nguồn cội dân tộc.
Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên là một trong những địa điểm vui chơi giải trí cuối tuần nổi tiếng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như du khách trong và ngoài nước. Nét độc đáo của Suối Tiên là tính chất lịch sử, huyền thoại, các cụm mô hình ở đây được lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Ðông. Một công trình đặc biệt thu hút đông đảo du khách vào tham quan, vi chơi tại Suối Tiên là khu vực biển Tiên Đồng – Một mô hình biển nhân tạo duy nhất ở Việt Nam.
10. NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN.
Ban đầu công trình được biết đến như là một công trình kiến trúc lớn ở quảng trường công xã Paris, trung tâm thành phố, với hai tháp chuông cao 40 mét - ngoài những danh hiệu giáo dân quen gọi là Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Nhà nước, Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn, nhà thờ này còn có thêm một danh hiệu nữa là Nhà thờ Đức Bà. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã dần trở thành biểu tượng của trung tâm thành phố.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố này.
11. THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn (tên gọi tắt: Thảo Cầm Viên), tên ban đầu: Vườn Bách Thảo (còn người dân quen gọi Sở thú) là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, tại Việt Nam.
Sau hơn 130 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai... và đang được bổ sung thêm.
12. NHÀ HÁT THÀNH PHỐ.
Địa chỉ: 7 Công trường Lam Sơn, P.BN, Q.1
Nằm ở điểm cuối Lê Lợi, tọa lạc trên con đường Ðồng Khởi - trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental.
Nhà hát được xem như một công trình văn hóa tiêu biểu và tốn kém nhất ở Sài Gòn thời Pháp thuộc. Xây cất từ năm 1898 do kiến trúc sư Ferret thiết kế, theo phong cách Barốc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp đặc biệt với nhiều tác phẩm trang trí mặt tiền đặt làm từ bên Pháp chở sang. Khánh thành vào ngày 1/1/1900, nhằm truyền bá văn hóa Pháp. Bố cục bắt chước theo kiểu nhà hát kịch Opéra ở Paris, với phòng khán giả, sân khấu lớn, không gian phần giải lao rộng rãi. Có thêm tầng hầm, mái gãy dạng Mansart, trước lợp tấm đồng. Lúc đầu nhà hát hoạt động sôi nổi với các đoàn hát từ chính quốc sang, sau bị ngành chiếu bóng, nhà hàng, vũ trường cạnh tranh nên chỉ sinh hoạt cầm chừng với các buổi ca hát, hòa nhạc và cải lương. Thời 1955 - 1975 dùng làm Hạ nghị viện, nay khôi phục lại làm nhà hát thành phố nhưng qui mô quá nhỏ so với yêu cầu một Sài Gòn quá lớn ngày nay.
Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh có kiến trúc cổ kính, uy nghi với 1 tầng trệt, hai tầng lầu, 1.800 ghế, không khí thoáng, hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại. Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa ba lê, dân tộc, opera cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Tại đây có thể tổ chức những buổi mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội thảo chuyên đề...
13. TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ.
Địa chỉ: 86 Lê Thánh Tôn, P.BN, Q.1
Nằm trên một khu đất rộng giới hạn bởi đường Pasteur (phía tây), Lý Tự Trọng (phía bắc), Đồng Khởi (phía đông) và Lê Thánh Tôn (phía nam). Thời Pháp thuộc, nơi đây có các tên gọi là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố. Về sau được đổi tên là Tòa thị sảnh. Giai đoạn từ năm 1954 - 1975, gọi là Tòa đô chính Sài Gòn. Sau 30/4/1975 cho đến nay là trụ sở của UBND TP.HCM.
Việc xây cất tòa nhà này được các quan chức thực dân lưu ý đến từ năm 1871 và các năm sau đó. Nhưng mãi đến năm 1898 mới được chính thức khởi công xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Gardès. Phần trang trí tòa nhà lúc đầu định làm theo bản vẽ của họa sĩ Ruffier, nhưng sau lại được giao cho họa sĩ Bonnet. Năm 1909, tòa nhà được khánh thành.
Tòa nhà có cấu trúc khá đơn giản nếu nhìn về đại thể. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối. Hai phía trái, phải tòa nhà thấp hơn một chút. Phần trang trí, ngoài các họa tiết, có 3 bức tượng đắp nổi. Đó là tượng một phụ nữ và một đứa bé đang chế ngự bầy thú dữ (ở giữa) và hai phụ nữ khác trong tư thế cầm gươm (ở hai bên trái, phải).
Là trụ sở của UBND TP.HCM, nơi đây đã ghi dấu những sự kiện lịch sử. Cuộc biểu tình lớn của đồng bào đòi công ăn việc làm năm 1937. Cuộc mít tinh của nửa triệu người nhân lễ ra mắt của Ủy Ban Hành Chính lâm thời Nam Bộ ngày 25/8/1945 (Pháp chiếm lại dinh Đốc Lý sau 23/9/1945). Cuộc đấu tranh bãi công bãi thị ngày 9/1/1950. Nhiều cuộc mít tinh, tuần hành diễn ra trước tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn sau 1975. Đặc biệt phía trước tòa nhà là vườn hoa cây cảnh, nơi đặt bức tượng Bác Hồ với thiếu nhi của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.
14. CHÙA VĨNH NGHIÊM.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3
Chùa lấy tên một tổ đình lớn ở miền Bắc - chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Ðức La, tổng Trí Yên, phủ Tạng Giang, tỉnh Bắc Giang (nay là X.Trí Yên, H.Yên Dũng) - từng là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái mang đậm nét dân tộc Việt Nam, đã tổng hợp những dòng thiền trước đó, đã tổ chức Giáo hội đầu tiên trong lịch sử phật giáo Việt Nam, là mô hình Giáo hội đầu tiên cho các tổ chức Giáo hội sau này. Chùa Vĩnh Nghiêm Ðức La được kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028), kiến trúc thuần túy Á Ðông và đã được trùng tu nhiều lần. Cảnh trí tôn nghiêm, tráng lệ hiện nay là nhờ lần trùng tu cuối cùng, vào năm Thành Thái nguyên niên (1889), do Hòa Thượng Thích Thanh Hanh đảm trách.
Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1964, do kiến trúc sư Nguễn Bá Lăng vẽ kiểu, kỹ sư Bùi Văn Tố thiết kế và do ban kiến thiết miền Vĩnh Nghiêm điều hành thực hiện. Ðược sự đóng góp công đức của chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng tọa, Ðại Ðức Tăng, Ni và quý Phật tử nhất là các vị nguyên quán Bắc Việt sống tại miền Nam, năm 1971, 3 công trình cơ bản đã được hoàn thành: Phật điện; Bảo tháp; cơ sở văn hóa xã hội. Chùa có diện tích xây cất ước lượng hơn 7.000 m2, trước đây là khu sình lầy bên cạnh rạch sông Thị Nghè cũ, nên phải đổ 40.000m3 đất mới được như hiện nay.
Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng thoáng, sát đại lộ. Tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh gồm có tam quan, chùa chính, tháp chuông, nhà phụ và ngọn bảo tháp 7 tầng cao 40m, sân rộng. Chánh điện được bài trí trang nghiêm với pho tượng Phật lớn có nhiều hoành phi, câu đối chữ Hán được khắc và trang trí đẹp. Các hương án, bao lam cũng vậy. Nhiều bức tranh được vẽ và chú thích rõ ở hai bên tường.
Tổ đình Vĩnh Nghiêm hiện nay không những là nơi chiêm bái cho thiện nam tín nữ Phật tử mà còn là thắng cảnh tham quan của khách du lịch trong cũng như ngoài nước. Ðặc biệt, tổ đình Vĩnh Nghiêm còn là cơ sở của Trường Cơ bản Phật học, Thư viện Phật học Thành Phố Hồ Chí Minh, trú xú của 20 vị tăng, ni sinh miền Bắc đang theo học tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2. Hằng tuần, nơi đây đều có những buổi giảng kinh cũng như thọ Bát quan trai giới để hướng dẫn Phật tử trên con đường tu tập Thánh đạo. Hằng năm, vào ngày mùng 8 - 12 Âm Lịch, ngày đức Phật thành đạo, chùa Vĩnh Nghiêm đều tổ chức trọng thể lễ húy nhật Hòa Thượng Thích Thanh Hanh (1838 - 1936), cố Thiền gia pháp chủ Phật giáo Bắc Việt, được tôn xưng là tổ Vĩnh Nghiêm, vị có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào những năm đầu thế kỷ 20.
15. CHÙA XÁ LỢI.
Địa chỉ: 89B Bà Huyện Thanh Quan, P.7, Q.3
Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 5/8/1956 theo bản vẽ của các kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, công trường xây dựng do các kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận điều khiển. Chùa được hoàn thành vào ngày 2/5/1958. Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên ban đầu có tên là chùa thờ Xá Lợi, người dân quen gọi tắt là chùa Xá Lợi nên khi khánh thành hòa thượng Khánh Anh đã đặt tên chùa là Xá Lợi cho hợp lòng người. Chùa là trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt từ năm 1951 - 1981. Từ năm 1981 - 5/1993 chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Văn phòng 2).
Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, phía dưới là giảng đường. Cấu trúc của chùa bao gồm chánh điện thờ Phật, giảng đường, tháp chuông, thư viện, tăng phòng, nhà trai đường, văn phòng, đoàn quán, phòng phát hành kinh sách, phòng khách và vãng sinh đường.
Chùa thờ một tượng Phật Thích Ca lớn do trường Mỹ Nghệ Biên Hòa đắp tạo. Năm 1969 tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay. Trước tượng Phật là nơi tôn thờ xá lợi Phật đặt trong một tháp nhỏ. Chính điện ở tầng lầu được trang trí bằng một bộ tranh lớn gồm 15 bức do giáo sư Nguyễn Văn Long của trường Mỹ Thuật Gia Định thực hiện, miêu tả lịch sử đức Phật Thích Ca từ lúc sơ sinh cho đến khi nhập Niết Bàn.
Tháp chuông chùa Xá Lợi được khánh thành trong năm 1961. Tháp chuông cao 32 mét, gồm 7 tầng, là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Tầng cao nhất có treo một đại hồng chung nặng 2 tấn, được đúc đồng theo mẫu của chuông chùa Thiên Mụ (Huế).
16. NAM THIÊN NHẤT TRỤ - CHÙA MỘT CỘT MIỀN NAM.
Địa chỉ: 100 Đặng Văn Bi, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức
Nếu Hà Nội có chùa Một Cột được xây dựng vào đời nhà Lý (đầu thế kỷ XI) thì Sài Gòn có “Nam Thiên nhất trụ”(Trời Nam một trụ) gọi nôm na là chùa Một Cột. Chùa do hòa thượng Thích Trí Dũng dựng vào năm 1958. Đến đây, vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang, cảm giác về sự uy nghiêm của hình tượng kiến trúc như chia sẻ, hòa mình vào trời nước và màu xanh ẩn hiện của cây lá…, bạn sẽ có được những phút “rũ sạch nỗi u phiền để đạt đến sự thanh cao của tâm hồn”.
Theo tinh thần văn bia hòa thượng, dựng Nam Thiên Nhất Trụ phải tuân thủ khuôn mẫu Thăng Long nhất trụ ở Hà Nội. Năm 1958, hòa thượng Thích Trí Dũng và các đệ tử của mình đã lập nên chùa Một Cột ở miền Nam gọi là Nam Thiên Nhất Trụ. Xây dựng chùa này với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh cốt để các tín ngưỡng phương Nam chiêm ngưỡng lễ Phật, nhớ về cội nguồn tổ tiên, hun đúc hy vọng quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh.
Chùa Một Cột ở miền Nam được xây dựng theo kiến trúc của các chùa chiền cổ ở miền Bắc, từ rui kèo, trính, xuyên, mái ngói... đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phượng. Trụ chùa Một Cột đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép; mái lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn. Nhìn từ cổng tam quan, Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng nằm giữa lòng hồ Long Nhãn (hồ Mắt Rồng) rập rờn hoa sen với diện tích mặt hồ khoảng hơn 600m2. Ngôi chùa được đặt trên một cột cao khoảng 12m. Trên mặt hồ, ngôi chùa vươn lên với ý niệm cao cả, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh. Phía sau Nam Thiên Nhất Trụ là chánh điện, nhà Tú Ân, giảng đường và nhà lưu niệm. Ngoài ra, chùa còn có tượng Đức Địa Tạng đúc bằng 61kg kim loại quý, tượng Phật Di Đà đồ sộ, tượng Phật Thích Ca ngồi thiền dưới cội bồ đề... để du khách chiêm bái.
Đến đây, vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình như lạc vào cõi thần thiên Phật pháp. Và với vẻ đẹp hấp dẫn ấy, hàng năm, Nam Thiên Nhất Trụ đã đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng và khám phá nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Sài Gòn - Gia Định.
17. CHÙA BÁT BỬU PHẬT ĐÀI.
Địa chỉ: Xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh
Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng hơn 10 hecta, trước mặt là cánh đồng thơm (dứa) mênh mông. Năm 1955, chùa Thanh Tâm được xây dựng. Trước chùa, Bát Bửu Phật đài xây dựng năm 1959, hoàn thành năm 1961. Phật đài được kiến trúc hình bát giác, cao 3m, tầng trên tôn trí tượng Phật Thích Ca cao 7m, nặng khoảng 4 tấn do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc năm 1957 và cư sĩ Ngô Chí Bình thỉnh từ chùa Xá Lợi về.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, bom đạn đã tàn ph1 xóm làng, thiêu rụi cả chùa Thanh Tâm, chỉ riêng ngôi Phật đài với kim thân Đức Phật vẫn sừng sững nơi hoang vắng, nên người dân địa phương đã gọi tòa di tích này là "Phật Cô Đơn".
Năm 1988. Thành hội Phật giáo TPHCM đã giao cho thượng tọa Thích Thiện Bổn nhiệm vụ trụ trì, từng bước chỉnh trang và xây dựng khu di tích. Đến nay, Bát Bửu Phật Đài đã trở thành một khu tham quan, chiêm bái hấp dẫn, thu hút hàng vạn người đến mỗi năm.
18. CHÙA HOẰNG PHÁP.
Địa chỉ: Xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn
Chùa Hoằng Pháp do cố Hòa Thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957. Nơi đây xưa kia là một cánh rừng chồi.
Hiện nay, chánh điện có chiều ngang 18m, chiều dài 42m, tổng diện tích xây dựng là 756m2, kiến trúc theo lối chữ “công”. Tuy hình thức có mới nhưng vẫn mang dáng vẻ cổ kính của chùa miền Bắc với góc đao cong vút, 02 tầng mái ngói màu đỏ. Toàn bộ nền móng, đà, cột, trần, mái đều đúc bêtông kiên cố, tường xây gạch, mặt ngoài dán gạch men, mặt trong sơn nước. Nền lót gạch granite nhập từ Tây Ban Nha. Toàn bộ cánh cửa, bao lam, án thờ đề làm bằng gỗ quý, chạm trổ rất tinh vi.
Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm tiền đình chánh điện là hai con sư tử lớn. Hai bên cửa chánh điện là hai bức phù điêu khắc tượng thần Kim Cang với vẻ mặt cương nghị, thân hình mang dáng đẹp khỏe mạnh của người lực sĩ. Nội điện gồm tiền Phật hậu Tổ. Tiền điện thờ đức Bẩn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định, chiều cao khoảng 4,50m. Phía trên chung quanh vách tường là 07 bức phù điêu chạm khắc hình ảnh cuộc đời đức Phật từ lúc xuất gia cho đến khi nhập niết bàn. Phía trên và dưới bức phù điêu đối diện với tượng Phật là hai hàng chữ “Phật Nhật Tăng Huy - Pháp Luân Thường Chuyển”. Trước án thờ là bao lam bằng gỗ điêu khắc hình “cửu long chầu nguyệt”.
Phía trên bao lam là ba cuốn thư cũng bằng gỗ khắc chữ Hán; cuốn ở giữa đề THIÊN NHƠN SƯ, hai cuốn hai bên đề chữ TỪ BI và TRÍ TUỆ. Chùa Hoằng Pháp có khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cao bóng mát quanh năm. Là địa điểm rất lý tưởng đến sinh hoạt dã ngoại và cắm trại. Hàng năm vào ngày 16/10 âm lịch, chùa tổ chức ngày húy kỵ cố Hòa Thượng Ngộ Chân Tử rất trọng thể.
19. ĐỀN TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ BẾN DƯỢC.
Địa chỉ: Xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi
Trên vùng đất nổi tiếng của địa đạo Củ Chi năm xưa và ngay giữa lòng "tam giác sắt" một thời rền vang bom đạn. Vào ngày 19/5/1993, đảng bộ và nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã tạo dựng nên công trình: ĐỀN TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ BẾN DƯỢC - CỦ CHI. Ðền được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh; trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược chống Pháp và Mỹ. Là một công trình dành cho thế hệ mai sau nhớ mãi, tri ân và tự hào.
Đền được khởi công vào ngày 19/5/1993 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 103 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trên một vùng đất rộng 7 ha trong quần thể của khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ngày 19/12/1995 đền khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu đón khách trong và ngoài nước đến tưởng niệm, dâng hương và nghĩ về một lẽ sống còn đã làm nên hồn thiêng dân tộc. Và Thành ủy, HĐND, MTTQ TP. Hồ Chí Minh cũng đã chọn ngày 19/12 hằng năm là ngày lễ hội tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ.